Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả nước.
Vị trí: Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả nước.
Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực cửa Tây của thành cổ Hà Nội. Phía tây Quảng trường Ba Đình giáp Lăng Hồ Chủ tịch, phía bắc giáp Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phía đông giáp Hội trường Ba Đình, nơi diễn ra các cuộc họp của Quốc hội, Trung ương Đảng và những buổi họp hoặc mít tinh lớn. Đặc biệt, tại góc tây bắc Quảng trường là Phủ Chủ tịch và tại góc đông nam là trụ sở Bộ Ngoại giao.
Quảng trường Ba Đình hiện nay là quảng trường lớn nhất Việt Nam, có chiều dài 320m, rộng hơn 100m, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường có 240 ô cỏ bốn mùa xanh tươi, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, nằm ở trung tâm quảng trường là cột cờ cao 30m. Đây là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Trước đây, năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã phá thành, Quảng trường Ba Đình lúc đó chỉ là một bãi đất hoang và hồ ao mới san lấp rộng tới hàng chục hecta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp. Người Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ và khu vực này được gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer (tên của một Linh mục người Pháp).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quảng trường Tròn được đặt tên là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Phạm Bành và Đinh Công Tráng cuối thế kỷ 19, ở vùng Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá.
Sau đó, Quảng trường Ba Đình đã được Bác Hồ chọn là nơi tổ chức lễ Tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945. Tại đây hàng vạn nhân dân thủ đô Hà Nội đã lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó, Quảng trường Ba Đình còn có tên là Quảng trường Độc Lập.
Trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên quảng trường là Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình; cạnh đó Phủ Toàn quyền trở thành Phủ Chủ tịch.
Ngày 9/9/1969, bảy ngày sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, lễ truy điệu Người đã được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hàng vạn đồng bào thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quảng trường Ba Đình còn là nơi chứng kiến cuộc mít tinh của 400 nghìn người ngày 2/9/1975 mừng đất nước thống nhất với cuộc diễu binh vô cùng long trọng của các lực lượng vũ trang và nhân dân thủ đô.
Trong suốt những năm qua, Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng là nơi thường xuyên được chọn để tổ chức các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm lớn mang tính lịch sử của đất nước. Đặc biệt, ngày 10/10/2010, nhân dịp kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Quảng trường Ba Đình lại là nơi diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành có qui mô lớn.
Bên cạnh những kiến trúc cũ, một số công trình được xây dựng thêm xung quanh khu vực Quảng trường Ba Đình đó là: Hội trường Ba Đình (hoàn thành năm 1963) và hiện đang được xây dựng lại, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1975), Bảo tàng Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1990), Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc (hoàn thành năm 1994). Ngoài các công trình lớn như trên, trong quần thể kiến trúc ở Quảng trường Ba Đình có một số công trình cũng rất quan trọng và ý nghĩa như Chùa Một Cột, khu di tích Phủ Chủ tịch. Những công trình này đã góp phần làm cho quần thể kiến trúc khu Quảng trường Ba Đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với việc phát lộ Hoàng Thành Thăng Long ngay gần Quảng trường Ba Đình khiến cho khu vực này càng trở nên thiêng liêng và có giá trị hơn bao giờ hết.
Trải qua bao biến cố lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của nhân dân thủ đô và nhân dân cả nước; đó cũng là nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm.
Các bài viết cùng chuyên mục
Lăng Bác (Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh)
Lăng Bác (hay còn có tên gọi khác là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) – là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của Bác Hồ.
Đường Hạnh Phúc - Quốc lộ 4C
Tổng chiều dài toàn tuyến đường là 185km, điểm đầu tại cầu Gadie (Gạc Đì) thành phố Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc. Khởi công ngày 10/09/1959 và hoàn thành ngày 10/03/1965.
Du Lịch Hà Giang
Hà Giang là tỉnh ở địa đầu Tổ Quốc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang của tỉnh Quảng Tây.