Quảng Ninh: Điểm đến "3 an toàn"
Ngày đăng: 09/11/2020 - 9873 - lượt xem Với mục tiêu đón 3 triệu lượt khách trong quý IV/2020, Quảng Ninh đưa ra nhiều biện pháp cùng với các chính sách kích cầu nhằm thu hút khách du lịch.
Tín hiệu tích cực
Bảo tàng Quảng Ninh giảm 50% giá vé đến hết ngày 31/12/2020
Ngay sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 được kiểm soát, Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết số 286/2020/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020.
Theo đó, tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% giá vé tham quan vịnh Hạ Long cho cả khách lưu trú và tham quan; giá vé thu phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm: Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Miễn phí tham quan đối với khách lưu trú trên vịnh Hạ Long vào các ngày lễ lớn…
Nhờ chính sách kích cầu, riêng tháng 9, Quảng Ninh đã đón được 120.000 lượt khách. Trong 10 ngày đầu tháng 10/2020, lượng khách đã đạt 92.000 lượt. Từ ngày 11 - 15/10, lượng khách tăng gấp đôi so với 10 ngày đầu tháng 10. Riêng trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã đón trên 16.800 khách du lịch, tăng gần 2.500 lượt khách so với tuần trước đó.
Nhiều giải pháp kích cầu
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, thúc đẩy phát triển du lịch đi đôi với phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị chu đáo mùa du lịch Thu Đông, đặc biệt vào dịp Noel, Tết Dương lịch, Âm lịch tăng khả năng thu hút khách du lịch cao nhất; đồng thời, sẵn sàng khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp… thời gian tới, Quảng Ninh dự kiến sẽ tổ chức một chuỗi gồm 64 sự kiện, hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại. Cụ thể, trong tháng 10 có 30 sự kiện, hoạt động; tháng 11 là 20 sự kiện và tháng 12 là 14 sự kiện. Trong đó có các chương trình trọng tâm như: Tuần hàng thủy sản Quảng Ninh kết hợp với Hội chợ OCOP; Lễ hội Mùa vàng Bình Liêu; Tuần văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu…
Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển khai thác thị trường du lịch nội địa, trong đó tập trung vào thực hiện một số chương trình tại các địa phương có nguồn khách lớn như TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền đông, miền Tây Nam bộ và khu vực Đông Bắc bộ với các địa phương có khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn, các tập đoàn kinh tế….
Ngoài ra, tỉnh dự kiến sẽ mở chuyên trang để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch "Quảng Ninh – An toàn, hấp dẫn, trách nhiệm" với thông điệp "Đi lại an toàn, vui chơi an toàn, nghỉ dưỡng an toàn" nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Quảng Ninh là điểm đến an toàn và tin cậy.
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Tỉnh sẽ tập trung khai thác, phát huy các sản phẩm mới, tiếp tục hoàn thiện và làm mới các sản phẩm truyền thống, khai thác sản phẩm có hàm lượng và kết tinh giá trị đặc sắc của văn hóa các vùng miền. Đồng thời, tạo sự liên kết của các doanh nghiệp tạo ra gói sản phẩm có mức giá cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh: Hiện tại, tất cả giá dịch vụ du lịch trên địa bàn Quảng Ninh đã được các doanh nghiệp giảm ở mức thấp. Bên cạnh đó, tỉnh đã phát động chiến dịch “Người Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh”, với kỳ vọng thu hút khoảng 500.000 lượt du khách là người địa phương.
Theo Tiến Dũng - Báo Công Thương
Các bài viết cùng chuyên mục
Lăng Bác (hay còn có tên gọi khác là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) – là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của Bác Hồ.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường là 185km, điểm đầu tại cầu Gadie (Gạc Đì) thành phố Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc. Khởi công ngày 10/09/1959 và hoàn thành ngày 10/03/1965.
Hà Giang là tỉnh ở địa đầu Tổ Quốc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang của tỉnh Quảng Tây.