Khám Phá Vẻ Đẹp Văn Hóa – Con Người Phố Biển Vũng Tàu
Nét văn hóa trong nhịp sống thường nhật ở phố biển Vũng Tàu hội tụ từ nhiều yếu tố đặc trưng khác nhau, tạo nên một văn hóa bản địa có nhiều nét đặc sắc rất riêng.
Nét văn hóa trong nhịp sống thường nhật ở phố biển Vũng Tàu hội tụ từ nhiều yếu tố đặc trưng khác nhau, tạo nên một văn hóa bản địa có nhiều nét đặc sắc rất riêng. Trong đó yếu tố văn hóa biển là một phần quan trọng không thể tách rời đối với mảnh đất và người dân địa phương nơi đây. Đặt chân đến Vũng Tàu, có dịp khám phá, trải nghiệm và hòa mình với cuộc sống phố biển, bạn sẽ cảm thấy yêu mến nơi này biết bao! Có lẽ trong khoảnh khắc xiêu lòng, bạn sẽ chẳng muốn nói lời tạm biệt mà sẽ muốn ở hoài nơi đây!
Phố biển Vũng Tàu không chỉ thu hút, quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng mà còn bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng, phong phú ở mảnh đất này. Cuộc sống văn hóa ở phố biển Vũng Tàu từ xa xưa đã là sự kết hợp, dung hòa từ nhiều yếu tố, từ nhiều vùng miền. Qua bao tháng năm, Vũng Tàu vẫn luôn lưu giữ những truyền thống được tạo nên từ yếu tố văn hóa biển nổi bật kết hợp cùng với văn hóa bản địa đặc trưng. Tất cả tổng hòa tạo nên một dấu ấn văn hóa của riêng vùng đất này.
Từ thuở xa xưa, người dân mảnh đất này đã sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, họ thường lênh đênh trên biển cả hàng tháng ròng rã nên tín ngưỡng và văn hóa dân gian với những lễ hội đặc sắc không thể không gắn liền với biển cả. Bên cạnh phong tục thờ Thành Hoàng và các vị thần dân gian quen thuộc ở nhiều vùng nông thôn đất Việt ngày trước, người dân địa phương còn thờ cá Ông và cả những thần trong lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương nghiệp và một số thần của các dân tộc, vùng miền khác.
Đồng thời, lễ hội Nghinh Ông cũng được tổ chức hàng năm với quy mô lớn vào ngày 16-18/8 âm lịch. Lễ hội là nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển với những hoạt đông đặc sắc như hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng. Lễ hội Nghinh Ông là dịp cúng tế thần biển để ngư dân dâng lên ý nguyện cầu an và thể hiện tấm lòng biết ơn đối với vị cứu tinh của họ. Nghi thức tiến hành cúng tế cũng có những đan xen từ những nghi thức truyền thống cung đình và cả đền miếu.
Bên cạnh đó, phố biển Vũng Tàu còn có lễ hội Đức Thánh Trần, lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, lễ hội Trùng Cửu và lễ hội bắn súng Thần Công. Những lễ hội này đều được các thế hệ con cháu lưu giữ qua nhiều thế hệ, góp phần tô điểm bản sắc văn hóa đặc sắc của phố biển. Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội là dịp để người dân và du khách được vui chơi, giải trí với các hoạt động đa dạng như hát hò khoan - chèo cạn, trò múa bông - mâm ngũ sắc, đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo và múa lân, múa rồng như các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Phố biển Vũng Tàu là một trong những thành phố du lịch biển nổi tiếng ở đất Việt và ngày càng chuyển mình trở thành đô thị năng động, nhộn nhịp và sầm uất. Thế nhưng những làng chài vẫn còn đó bên những bờ biển sóng vỗ ầm ầm mặn nồng vị biển. Đến làng chài Bến Đá - Bến Đình gần ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu trong buổi sớm tinh mơ, bạn sẽ thấy cuộc sống dân dã, mộc mạc của những người ngư dân. Người thì quăng chài lưới đánh cá gần bờ, người ra khơi và cũng có người vừa trở về mang theo tôm cá nhưng cũng có những người ngóng trông, đợi chờ những người ra khơi chưa trở về.
Cuộc sống ngư dân đã đỡ vất vả hơn trước nhưng vẫn còn bấp bênh chông gai lắm và dẫu thế thì họ vẫn luôn hướng về biển cả với tình yêu nồng nàn, chân thành từ thuở ấu thơ đến khi già yếu. Bạn có thể cùng trò chuyện về cuộc sống sinh hoạt miền biển, chia sẻ tình yêu với biển cả bao la hoặc thử trải nghiệm đánh cá trên những chuyến ra khơi gần bờ.
Ở phố biển Vũng Tàu, những giá trị văn hóa vẫn luôn được gìn giữ, những phẩm chất tốt của con người vẫn được các thế hệ sau kế thừa. Vì thế, du lịch Vũng Tàu không chỉ là dịp để bạn tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là dịp để bạn khám phá văn hóa, con người nơi đây đấy!
Các bài viết cùng chuyên mục
Lăng Bác (Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh)
Lăng Bác (hay còn có tên gọi khác là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) – là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của Bác Hồ.
Đường Hạnh Phúc - Quốc lộ 4C
Tổng chiều dài toàn tuyến đường là 185km, điểm đầu tại cầu Gadie (Gạc Đì) thành phố Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc. Khởi công ngày 10/09/1959 và hoàn thành ngày 10/03/1965.
Du Lịch Hà Giang
Hà Giang là tỉnh ở địa đầu Tổ Quốc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang của tỉnh Quảng Tây.
Các tour liên quan
Hà Nội - Tây Ninh - Bình Châu Vũng Tàu - TP Hồ Chính Minh
4 ngày 3 đêm
Khởi hành: