Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách Cửa Đại khoảng 15km, cách phố cổ Hội An khoảng 18km về phía đông.
Vị trí: Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách Cửa Đại khoảng 15km, cách phố cổ Hội An khoảng 18km về phía đông. Đặc điểm: Đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm trên bờ, dưới biển.
Từ cảng Cửa Đại (Hội An), chỉ mất khoảng 20 phút bềnh bồng trên những con sóng bằng tàu cao tốc du lịch vượt 18km đường biển, du khách sẽ đến với hòn đảo xinh đẹp Cù Lao Chàm. Du khách cũng có thể đến đây bằng thuyền gỗ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, xuất phát từ bến Bạch Đằng nằm ngay trong khu phố cổ.
Theo các nhà địa chất, Cù Lao Chàm hay còn gọi là Chiêm Bất Lao,Tiêm Bích La, là phần kéo dài về phía đông nam của khối đá hoa cương (granit) Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà được hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Hệ thống đứt gãy này đã tạo điều kiện cho sự mở rộng các thung lũng, làm nên nhiều hồ chứa nước trên sườn đồi và hàng trăm hang, hốc sâu.
Với diện tích khoảng 15km², Cù Lao Chàm là một cụm đảo bao gồm 8 đảo lớn, nhỏ, nối tiếp nhau theo hình cánh cung, đó là: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai, hòn Ông và trên đảo có hơn 3.000 cư dân sinh sống.
Theo các nhà nghiên cứu, nơi đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn.
Rừng tự nhiên ở Cù Lao Chàm có khoảng 1.500ha với nhiều loại lâm sản quý như: gõ biển, huỷnh, lim xẹt, kiền kiền, dẻ, chua, mây,... ; dược liệu quý như: mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì…, trong đó, có 2 loài cây thuốc nam quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, đó là cây Cỏ nhung và Trầm hương; cây cảnh đẹp với hình dáng lạ mắt, có tuổi thọ vài ba trăm năm: tuế, vông nem… và nhiều loài phong lan nở hoa quanh năm, tiêu biểu là loài huyết nhung tía… Đặc biệt, ở sườn đồi phía đông của đảo, do địa hình dốc, vẫn tồn tại thảm thực vật cây bụi và những trảng cỏ với nhiều loại đặc trưng như: sến đất, huyết giác và cỏ cứng.
Thảm thực vật có độ bao phủ lớn chính là nơi cư trú của nhiều loại động vật. Hiện Cù lao Chàm có khoảng 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó, có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Phần biển Cù lao Chàm cũng rất nổi tiếng với 6.700ha mặt nước, 165ha rạn san hô, bao gồm 188 loài, 61 giống thuộc 13 họ khác nhau, trong đó có 6 loài được ghi nhận đầu tiên ở nước ta, 500 thảm rong và cỏ biển, hơn 200 loài cá, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể.
Với hệ sinh thái rừng và biển phong phú, Cù Lao Chàm được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học hiếm có trên thế giới.
Sống tại Cù Lao Chàm, chỉ cần một ngày thôi, du khách cũng cảm thấy một điều rất khác biệt, đó là được ngắm nhìn những chú khỉ đuôi dài nghịch ngợm nhưng rất thân thiện với người, đôi khi vào sáng sớm hay chiều tối chúng xuống đến sát biển chơi đùa.
Nếu có dịp đi tàu vòng qua phía đông đảo hòn Lao, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn những vách đá dựng đứng cao đến 100m thường xuyên bị sóng vỗ tạo thành tháp, tường, đá chồng, thác nước, đá đổ và các mạch nước ngầm thành hình các bàn cờ, rùa đá, đầu người... vừa có dịp được ngắm nhìn những tổ Yến bám chênh vênh trên vách đá trông giống như những chiếc tai màu trắng hay ngắm nhìn những đàn chim yến nhỏ bay tới tấp từ cửa hang ra biển. Theo truyền thuyết người dân nơi đây kể lại, loài chim này hoá thân từ nàng Yến, một cô gái làng biển sống với cha mẹ già, bỗng gặp cơn hồng thuỷ cuốn trôi làng mạc, chỉ gia đình nàng sống sót trôi dạt vào đảo nhỏ, cha mẹ nàng đều ngất đi vì đói khát, kiệt sức. Để cứu cha mẹ, nàng lê đi khắp đảo tìm thức ăn, nước uống nhưng chỉ tìm thấy một lát khoai khô nhỏ nằm mắc kẹt trong khe đá, bèn đem về mớm cho cha mẹ. Cứu được cha mẹ thì nàng chết. Ba năm sau trên đảo xuất hiện một loài chim nhỏ cứ quanh quẩn trên mộ nàng, đó là loài chim yến.
Du khách cũng có thể tham gia một số tour du lịch khác như: tour “Khám phá Cù Lao Chàm” với hệ thống các hang động, suối đẹp và kỳ thú như: hang Bà, hang Tò Vò, hòn Bao Gạo, suối Tình, suối Mơvà nhiều ghềnh đá…, tour “Lặn biển ngắm san hô, xem cá nhiều màu sắc ở bãi Bấc, Hòn Dài”, tour vượt biển tham quan làng chài bãi Hương… hoặc có thể tắm biển và tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết tại các bãi biển đẹp như: bãi Ông, bãi Chồng, bãi Làng, bãi Bìm... hay tham gia các loại hình thể thao biển như: lướt ván, dù bay, chèo thuyền kayak, thả diều, đua thuyền...
Tại Cù Lao Chàm, du khách còn có dịp được tìm hiểu về giá trị văn hóa của những di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, có liên quan đến quá trình cư trú của cư dân cổ cách đây khoảng 3.000 năm, tham quan hệ thống hơn 20 công trình kiến trúc cổ gồm: đình, lăng, miếu, chùa, giếng cổ của cả người Chăm và người Việt được xây dựng cách đây vài trăm năm như: chùa Hải Tạng, giếng làng, lăng Ông, miếu Bà, miếu Tổ nghề yến. Đặc biệt, du khách sẽ được biết về kỹ thuật khai thác nước ngọt của cư dân Chàm cổ và biết về mối giao lưu, buôn bán giữa Cù Lao Chàm với các nước thuộc Trung Cận Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ cách đây 1.000 năm trong hành trình con đường tơ lụa trên biển.
Từ năm 2004, Cù Lao Chàm đã trở thành khu bảo tồn biển dưới sự giúp đỡ của Chính phủ Đan Mạch. Năm 2006, Cù lao Chàm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tháng 5/2009, Cù lao Chàm chính thức được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Du khách yêu thích Cù Lao Chàm không chỉ bởi vùng biển nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có nhiềumón ăn ngon như: yến sào, tôm hùm, ốc hương, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, cua đá, mực, vây cá, bào ngư, cá hồng, cá mú, yến sào, ốc xà cừ…và lưu giữ cả một kho tàng văn hóa - lịch sử giá trị trường tồn từ hàng nghìn năm mà còn bởi sự nồng hậu và phong cách thân thiện với môi trường của người dân địa phương. Dưới sự hướng dẫn, quản lý của chính quyền, người dân Cù Lao Chàm tuân thủ quy định không sử dụng túi ni lông, không xả rác... để giữ cho mảnh đất xanh này mãi sạch, đẹp.
Các bài viết cùng chuyên mục
Lăng Bác (Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh)
Lăng Bác (hay còn có tên gọi khác là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) – là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của Bác Hồ.
Đường Hạnh Phúc - Quốc lộ 4C
Tổng chiều dài toàn tuyến đường là 185km, điểm đầu tại cầu Gadie (Gạc Đì) thành phố Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc. Khởi công ngày 10/09/1959 và hoàn thành ngày 10/03/1965.
Du Lịch Hà Giang
Hà Giang là tỉnh ở địa đầu Tổ Quốc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang của tỉnh Quảng Tây.